Các hệ thống cảnh báo sóng thần trên thế giới

Các hệ thống cảnh báo sóng thần trên thế giới

cb2.jpg

Không chỉ cảnh báo cho một vùng, mà cần có hệ thống cảnh báo cho toàn thế giới.
Đất nước mặt trời mọc luôn phải đối phó với động đất và sóng thần nên đã xây dựng hệ thống cảnh báo hai loại thảm họa này rất hiệu quả. Hiện nay, hệ thống cảnh báo ở Nhật Bản có thể gửi thông tin đến người dân chỉ 2-3 phút sau khi động đất và sóng thần xảy ra.

Cùng với Nhật Bản, Mỹ cũng là nước đi đầu trong lĩnh vực dự báo động đất, sóng thần, do có kinh nghiệm đối phó với nhiều loại thảm họa tương tự.

Tại Mỹ, từ năm 1946 đến 1947 (sau vụ sóng thần ở quần đảo Hawai), người ta đã quan tâm xây dựng các hệ thống cảnh báo sóng thần ở miền ven biển Thái Bình Dương và quần đảo Hawai, cả trong lĩnh vực quân sự và dân sự. Các nước khác như Nga, Chile, Nicaragua, Thụy Sĩ, Đức, Australia, Trung Quốc... cũng lần lượt có hệ thống cảnh báo riêng của mình. Tuy nhiên vì chưa có hệ thống cảnh báo chung nên việc liên kết nhau cảnh báo để giảm thiểu thiệt hại là chưa hiệu quả.

Năm 1965, tổ chức UNESCO của Liên hợp quốc và Tiểu ban Hải dương học liên chính phủ (IOC) đã chấp nhận đề nghị của chính phủ Mỹ mở rộng hệ thống cảnh báo sóng thần của Mỹ tại Hawai- Holonolu thành trung tâm của hệ thống cảnh báo sóng thần quốc tế Thái Bình Dương. Trang thiết bị và hệ thống cảnh báo hiện có của các nước thành viên IOC cũng được tích hợp chung vào hệ thống này.

Đến nay, hệ thống cảnh báo sóng thần khu vực Thái Bình Dương đã có 26 quốc gia thành viên, bao gồm: Australia, Canada, Chile, Trung Quốc, Colombia, Quần đảo Cook, Costa Rica, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều tiên, Ecuado, Fiji, Pháp, Guatemala, Indonesia, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Nicaragua, Peru, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Nga, Anh, Mỹ và Đông Samoa.

Hệ thống hiện có 100 trạm đo địa chấn, 100 trạm đo triều cường và 101 trạm truyền tin về động đất, sóng thần đặt xung quanh bờ biển Thái Bình Dương.

Ban đầu, hệ thống báo động được thiết kế để cảnh báo cho dân cư miền ven biển trong vòng từ 3 giờ đến 14 giờ sau khi xảy ra động đất. Nhưng trong những năm gần đây, hàng loạt nghiên cứu đã nâng cao tốc độ dự báo của hệ thống. Nếu như năm 1993, phải mất một tiếng hệ thống mới phát tín hiệu báo động, thì nay, nó có thể cảnh báo sóng thần sau 20 phút, còn ở Nhật Bản có thể báo động sau 2-3 phút.

ht1.jpg

Hệ thống đánh giá và thông báo sóng thần đại dương, kích hoạt trong 2 phút.
Một trạm cảnh báo sóng thần thường bao gồm hệ sensor đo áp suất ở đáy đại dương. Khi có động đất tạo ra sóng thần, sensor nhận được sẽ phát ra tín hiệu âm thanh truyền về phao trên mặt đại dương. Tại đây, dữ liệu được xử lý rồi so sánh với các tín hiệu ngưỡng đặt ra, và trong trường hợp cần thiết nó sẽ truyền những cảnh báo tới vệ tinh qua ăngten GPS. Vệ tinh sẽ gửi thông tin đến một số trung tâm cảnh báo khác và đến các cụm dân cư ven biển.

Trận động đất và sóng thần kinh hoàng ngày 26/12/2004 cũng đã được Hệ thống cảnh báo ở Thái Bình dương phát hiện. Nhiều trạm đo ở một số nước ghi nhận sóng cao bất thường như trạm ở đảo Cocos (Australia), Jackson bay (New Zealand); Arica (Chile), Callao (Peru); Severo Kurilsk (Nga)... Song vì không có hệ thống cảnh báo trên khu vực Ấn Độ Dương nên người ta đã không thể truyền thông tin đến vùng này kịp thời.

Trong những năm qua đã có nhiều đề nghị lập ít nhất hai trung tâm cảnh báo sóng thần ở vùng Ấn Độ Dương, một ở gần Indonesia, nhằm bổ sung vào hệ thống cảnh báo sóng thần toàn cầu, song kế hoạch đã không được thực hiện vì thiếu kinh phí. Giá thành của một máy đo sóng thần ước tính lên tới 250.000 USD và phải mất một vài tháng mới có thể lắp đặt đưa vào hoạt động. Còn hệ thống cảnh báo sóng thần cho một vùng, theo ông Greg Gottlieb, phó giám đốc văn phòng cứu nạn sóng thần quốc tế của Mỹ, giá từ 50 đến 70 triệu USD.

Vừa qua, tại Hội nghị phòng ngừa thiên tai thế giới diễn ra tại Kobe (Nhật Bản), Liên hợp quốc khẳng định hệ thống cảnh báo sóng thần tại khu vực Ấn Độ Dương có thể đi vào hoạt động trong vòng 12 đến 18 tháng nữa. Dự án do UNESCO chủ trì với sự tài trợ của Nhật Bản, EU và một số nước khác. Hệ thống gồm một mạng lưới các thiết bị hiện đại được gắn dưới những tấm phao, neo xuống đáy biển. Chuyển động của vỏ trái đất cũng như những thay đổi trong nước biển sẽ được ghi lại và truyền về một trung tâm xử lý thông tin tại khu vực Ấn Độ Dương thông qua vệ tinh.

Đào Khắc An - Phan Anh Tuấn
Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top