Bát cơm xứ người

Bát cơm xứ người

Đọc bài này thấy thương cho thân phận người Việt mình quá. Vì cuộc sống phài xa quê hương để cầu thực nhưng dưới con mắt của các quan chức nhà mình họ chỉ là những món hàng hoá được thống kê với những con số cảm có khi là tàn nhẫn nữa.




Lao động VN đang làm việc tại một xí nghiệp ở Malaysia

TT - Người ta bảo bát cơm xứ người thường có vị đắng. Bốn năm nay đã có 315 người lao động VN chết tại Malaysia.


Phản ứng trước tin ấy, một quan chức trấn an rằng năm rồi ở Malaysia chết 107 người, chỉ chiếm 0,09% tổng số lao động VN ở nước này, đã giảm so với các năm trước đó.

Vượt qua biên giới, hàng vạn người lao động nước ta đang kiếm cơ may trong chợ việc toàn cầu. Ở những nơi xa ấy, họ hòa vào dòng lao động nhập cư thay thế dần người bản xứ trong những công việc thường nặng nhọc và ít cần đào tạo. Ngụ cư nơi đất khách, nếu không được chuẩn bị về ngôn ngữ, văn hóa và tục lệ, họ sẽ là những nhóm người dễ bị tổn thương. 200 lao động, phần lớn là nữ, kêu cứu từ Jordan; có ai biết họ đã phải sống và kiếm miếng ăn ra sao trong cái thế giới Trung Đông xa xôi ấy.

Chen với Philippines, có người bảo để giảm thất nghiệp của người dân thôn quê, đến năm 2010 có thể có 1 triệu lao động VN được "xuất khẩu" ra nước ngoài. Một đạo luật 80 điều với tên gọi dài dòng về người VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được ban hành và có hiệu lực từ hơn một năm nay. Lao động nhập cư, dù tìm bát cơm manh áo ở xứ người, song trên hết họ là những con người. 315 người hay 0,24% lao động VN bị chết ở Malaysia là chừng ấy số phận, là gia đình và người thân của họ. Kiểu chi li của viên quan chức có thể đúng với hàng hóa xuất khẩu, song không thể hợp với nhân phẩm con người.

Tích cóp từ những đồng lương khiêm tốn, hàng tỉ USD đã được gửi về quê hương, lao động nhập cư trở thành một nguồn đóng góp ngoại tệ đáng kể cho những nước nghèo. Nếu điều ấy cũng là một mục tiêu phát triển của VN, những vấn đề xã hội nảy nở quanh số phận con người trên con đường tự do di trú phải được quan tâm hơn nữa.

Bỏ tiền ra mua lấy việc làm, phần lớn "lao động xuất khẩu" là thanh niên nông thôn phải trả những khoản phí cao cho các công ty môi giới. Phí tuyển dụng, đặt cọc và xuất cảnh lên tới hàng chục triệu đồng, người mua việc trở thành con nợ, một phần lớn thu nhập của họ làm giàu cho các công ty môi giới. Minh bạch cơ hội tìm việc, giám sát và hủy các điều khoản hợp đồng mang tính bóc lột đối với người lao động, buộc các công ty môi giới phải liên đới chịu trách nhiệm khi giới chủ nước ngoài vi phạm hợp đồng là những hướng đi cần kiên trì triển khai để bảo vệ giới thợ.

Đã có một thời những đơn vị hợp tác lao động "xuất khẩu" hàng chục vạn lao động sang Liên Xô cũ và các nước Đông Âu. Mỗi đơn vị đều có đơn vị trưởng, một vài người phiên dịch, có chi bộ, chi đoàn, có những sinh hoạt chung đầy tình tương ái. Cách làm ấy có vẻ khô cứng, song người thợ nơi đất khách còn có nơi nương tựa khi cơ nhỡ. Hình thức tổ chức có thể phải đổi thay cho hợp thời, song không thể đem con bỏ chợ, bảo vệ công dân là trách nhiệm của Nhà nước, nhất là khi họ lệ thuộc vào giới chủ ở nước ngoài.

Công ty môi giới, cơ quan ngoại giao, cơ quan quản lý lao động phải tạo những cách hỗ trợ lao động nhập cư tự do liên kết và bảo vệ lẫn nhau phù hợp với luật pháp ở xứ người.

PHẠM DUY NGHĨA
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top