Báo chí Trung, Nhật lao vào bút chiến

Báo chí Trung, Nhật lao vào bút chiến

Những cuộc biểu tình chống Nhật liên quan đến cuốn sách giáo khoa lịch sử mới ở Nhật Bản hồi cuối tuần qua tại Trung Quốc đã châm ngòi cho những lời bình luận giận dữ của báo chí cả hai nước.

Báo giới Trung Quốc nhân dịp này còn phản đối nỗ lực trở thành uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc của Tokyo.

"Làm sao Nhật Bản có thể nói về tương lai khi họ coi thường lịch sử?" là tiêu đề bài báo trên tờ Jiefangjun Bao (Nhật báo Quân đội Giải phóng) tại Bắc Kinh số ra hôm qua. "Nếu muốn trở thành một đất nước bình thường, Nhật Bản phải duy trì một quan điểm đúng đắn về lịch sử, thực hiện các cam kết với cộng đồng quốc tế và không thể cho phép cánh hữu cố tình bóp méo lịch sử", bài xã luận viết.

Tờ Ming Pao (Minh Báo) của Hong Kong bình luận rằng Nhật Bản không quan tâm đến việc "giành niềm tin của các nước láng giềng cũng như người dân châu Á". "Làm sao một đất nước như vậy có thể đủ tư cách trở thành một uỷ viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc?", tờ báo đặt câu hỏi.

Jiefang Ribao (Nhật báo Giải phóng) tại Thượng Hải cũng gay gắt chỉ trích Tokyo. "Nhật Bản luôn nghĩ họ chỉ cần che đậy sự thật lịch sử là có thể đứng vào hàng các cường quốc chính trị với một bộ mặt sạch sẽ", tác giả bài báo bình luận.

"Diễn đàn Quốc gia hùng cường" trên website của Nhân dân Nhật báo cũng đăng tải những lời bình luận gay gắt về vấn đề sách giáo khoa Nhật Bản. Một người đe doạ: "Nếu Trung Quốc huỷ diệt Mỹ và Nhật Bản bằng các đầu đạn hạt nhân, thì thế giới sau đó sẽ thanh bình hơn". Một số người khác đưa ra những lời lẽ gay gắt: "Người nào nói Nhật Bản tốt bụng là kẻ đần độn" hay "Chúng ta phải giết cho tới khi nước Nhật nhỏ bé không dám nhìn vào mắt người Trung Quốc trong 100 năm".

Tuy nhiên, báo giới cũng tỏ ý lo ngại các cuộc biểu tình có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Tờ South China Morning Post (Tin điện Hoa Nam) lập luận "sẽ chẳng thu được gì nếu cho phép các cuộc biểu tình bạo động tiếp diễn". "Lãnh đạo hai quốc gia cần nỗ lực hết sức để giữ bình tĩnh cho bản thân và người dân", bài bình luận có đoạn.

Tờ Sing Pao của Hong Kong có quan điểm dài hơi hơn: "Trong khi phản đối chính sách và thái độ sai lầm của chính phủ Nhật Bản, Trung Quốc cũng phải nhìn nhận vấn đề từ góc độ chiến lược quốc tế, xem xét toàn bộ tình hình, ổn định quan hệ Trung - Nhật, thảo luận về tranh chấp cũng như hợp tác".

Trong khi đó, tại Nhật Bản, nhật báo lớn nhất Yomiuri Shimbun đặt câu hỏi tại sao "hành động chống Nhật lại được dung thứ" ở Trung Quốc. Tờ báo chỉ trích việc nhà chức trách sở tại không ngăn chặn các hành động cố ý phá hoại sứ quán cũng như các công ty Nhật Bản. "Mặc dù có thể trấn áp bất kỳ điều gì mà chính phủ không hài lòng, nhưng Bắc Kinh lại dung dưỡng các cuộc biểu tình chống Nhật - diễn biến mà họ cho rằng có thể khai thác được để gây sức ép với Nhật Bản trong tranh chấp lãnh thổ, sách giáo khoa lịch sử và những vấn đề khác", bài xã luận có đoạn.

Asahi Shimbun cũng đặt câu hỏi về phản ứng "không thích hợp" với các cuộc biểu tình của Trung Quốc. Nhật báo lớn thứ hai đất nước mặt trời mọc dự đoán Bắc Kinh có thể lo ngại rằng kiểm soát những người biểu tình tức giận có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chính phủ "vì công chúng vốn đã không hài lòng về các vấn đề trong nước".

Mainichi Shimbun cho rằng người phản đối Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn được. "Dù đúng là người Nhật không nên quên nền tảng lịch sử dẫn tới xu hướng bài Nhật, nhưng người Trung Quốc cũng cần hiểu rằng các hoạt động chống Nhật bất hợp lý sẽ phá hoại lợi ích của chính đất nước họ", bài xã luận trên nhật báo lớn thứ ba Nhật Bản viết.

Nhật báo Sankei Shimbun cho rằng những cuộc bạo động nhằm vào các công ty và người Nhật Bản là "không thể tha thứ được". Nếu các cuộc biểu tình tiếp tục dâng cao, thì nó sẽ khơi sâu thêm xung đột tình cảm và làm phương hại lợi ích hai nước.

Tokyo Shimbun kêu gọi ngăn chặn các cuộc biểu tình tái diễn. "Vấn đề nghiêm trọng nhất là thái độ của chính phủ Trung Quốc", tờ báo nhận định. "Nhật Bản không phải là bên duy nhất đáng trách. Vì cả hai nước đều chịu trách nhiệm cho những vấn đề song phương, nên cả hai chính phủ phải giải quyết các vấn đề thông qua hội đàm, nghiêm cấm bạo lực", tờ báo viết.

(theo BBC)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top