Bàn tròn: Quan hệ Việt-Nhật trong năm đột phá 2006

Bàn tròn: Quan hệ Việt-Nhật trong năm đột phá 2006

VietNamNet) - Có lẽ ít ai đến Hội An mà không ghé qua một cây cầu rất nổi tiếng mang tên cầu Nhật Bản. Đó là chứng tích gợi nhớ đến sự hiện diện của những thương gia Nhật Bản tại Hội An từ cách đây hơn 300 năm.
Cùng với các thương gia Trung Quốc, họ là những người nước ngoài đầu tiên có mặt tại đô thị cổ ấy của Việt Nam để làm ăn, buôn bán, và dựng nên cả một khu phố của người Nhật tại nơi này. Nó cũng là bằng chứng cho thấy rằng người Nhật đã tham gia vào quá trình hội nhập khu vực từ rất sớm. Và từ cái thời mà trên thế giới chưa ai nhắc tới từ "toàn cầu hoá", hay "hội nhập", giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có sự "hội nhập".
Nhưng trải qua quá trình lịch sử hơn 300 năm, mối quan hệ ấy đã gặp không ít thăng trầm. Thậm chí, đã có những lúc, hai nước ở hai bên chiến tuyến. Sau Thế chiến II, với sự giúp đỡ của Mỹ, Nhật đã bắt đầu công cuộc vực dậy nền kinh tế trong khi Việt Nam còn đang tiến hành cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp giành độc lập.
Bước sang thập kỷ 60, 70 của thế kỷ 20, trong lúc thế giới chứng kiến sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản, Việt Nam vẫn trường kỳ với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sau đó là một thời kỳ khó khăn hàn gắn vết thương chiến tranh. Nửa sau thập niên 80, khi Nhật bước vào giai đoạn phát triển của nền kinh tế bong bóng, thì Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách mở cửa.
Hiện, Nhật Bản đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, còn Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đã và đang phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, y tế... đồng thời đã bước sang giai đoạn chuyển đổi về chất.
Năm 2002, lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất xây dựng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản theo phương châm "đối tác tin cậy, ổn định lâu dài". Trong chuyến thăm Việt Nam 7/2004 của Ngoại trưởng Nhật Bản, hai bên đã ký Tuyên bố chung "Vươn tới tầm cao mới của đối tác bền vững".
Điểm nổi bật trong mối quan hệ song phương ấy chính là viện trợ ODA. Liên tục nhiều năm liền, Nhật đứng đầu danh sách các nhà tài trợ ODA cho Việt Nam. Tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) mới đây, một lần nữa, Nhật lại khẳng định vị trí đứng đầu của mình với cam kết tài trợ ODA trong năm 2006 trị giá 835,6 triệu USD. Nhờ nguồn vốn ODA này, nhiều công trình trọng điểm góp phần phát triển kinh tế xã hội của VN đã và đang được tiến hành, tiêu biểu như dự án Quốc lộ 1A, Nhà máy điện Phú Mỹ 2-1, Đại lộ Đông - Tây (Tp HCM), cầu Bãi Cháy, cầu Thanh Trì, đường hầm xuyên đèo Hải Vân...
Bước sang năm 2006, một năm được đánh giá là năm tăng tốc của Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực và hội nhập quốc tế, chúng ta hy vọng, quy mô quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ được mở rộng hơn nữa, để Nhật có thể trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Nhằm giúp độc giả có hình dung rõ nét hơn về mối quan hệ này cũng như những chiều hướng hợp tác giữa hai bên, VietNamNet tổ chức buổi bàn tròn trực tuyến với Ngài Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Norio Hattori, người đã ở Việt Nam nhiều năm và cũng rất am hiểu môi trường kinh tế, thương mại của Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập VietNamNet dẫn chương trình.
Cuộc bàn tròn với Ngài Đại sứ Nhật Bản tại VN Norio Hattori đã kết thúc tốt đẹp. VietNamNet sẽ đưa toàn bộ nội dung lên trong vài giờ nữa.
 
Bình luận (1)

vhs

New Member
Ðề: Bàn tròn: Quan hệ Việt-Nhật trong năm đột phá 2006

Đại sứ Nhật: VN cần lắng nghe nhà đầu tư hơn nữa
(VietNamNet) - "Tôi vẫn mong muốn phát biểu ý kiến của mình trên tờ báo mạng của Việt Nam và hôm nay tôi rất vui mừng được tham dự cuộc bàn tròn do VietNamNet tổ chức". Vị đại sứ Nhật bản bắt đầu cuộc bàn tròn như vậy.
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Xin chào các bạn, hôm nay chúng tôi rất hân hạnh được đón tiếp ông Norio Hattori - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, một người có nhiều đóng góp trong việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Cuộc trao đổi ngày hôm nay diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang có những bước phát triển mới trong quan hệ quốc tế, khu vực, đặc biệt là quan hệ với Nhật Bản và đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ X.
Với tư cách là Đại sứ của một quốc gia lớn, đồng thời là một quan sát viên tại Việt Nam, hôm nay chúng tôi mong muốn được trò chuyện với Ngài Norio Hattori về mối quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng tôi cũng mong muốn lắng nghe chia sẻ của Đại sứ về Đại hội Đảng X sắp tới.
Trước hết xin hỏi ông, trong quá trình làm việc tại Việt Nam, có điều gì làm ông ấn tượng nhất, và cảm thấy vui nhất?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Trước hết tôi rất cảm ơn công ty VASC và báo Điện tử VietNamNet đã tạo cơ hội quý báu cho tôi tới đây để giao lưu. Tôi cũng biết VietNamNet là một tờ báo điện tử rất có uy tín ở Việt Nam và được rất nhiều độc giả trên cả nước yêu thích.
Từ trước tới nay, tôi vẫn mong muốn phát biểu ý kiến của mình trên tờ báo mạng của Việt Nam và hôm nay tôi rất vui mừng được tham dự cuộc bàn tròn do VietNamNet tổ chức.
Cho tới nay, tôi đã làm việc tại VN gần 3 năm rưỡi. Trong suốt thời gian đó, tôi có ấn tượng rất tốt đẹp và tích cực về con người và đất nước VN. Tôi cảm thấy may mắn được làm việc tại Việt Nam để góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam và đóng góp vào việc phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Quả thật, cách đây 3 năm rưỡi, khi tôi mới sang Việt Nam, tôi đã có một quan điểm khác về tương lai của đất nước các bạn. Nhưng sau 3 năm rưỡi, quan điểm ấy đã thay đổi.
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Cụ thể, đó là quan điểm gì thưa ông?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Bước sang đầu thế kỷ 21, tốc độ tăng truởng kinh tế của Việt Nam nhanh hơn so với những năm 80, 90 của thế kỷ 20. Trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội đang có những thay đổi nhanh chóng như hiện nay, việc các bạn chấp nhận thay đổi tư duy cho phù hợp với tình hình quốc tế là rất tích cực.
Ý tôi là, trên thế giới, nhiều người vẫn giữ tư duy, quan điểm cũ mà không chịu nhận thấy những đổi thay của tình hình xã hội. Còn người Việt Nam đã nghiên cứu và hiểu được diễn biến tình hình thế giới và chấp nhận đổi mới tư duy, chính sách của mình.
Vì trước đây, cơ chế kinh tế Việt Nam là kinh tế kế hoạch, nên theo tôi, các bạn đã phát triển từ điểm mốc rất thấp so với các nước khác. Còn gần đây, các bạn đã đổi mới chính sách của mình và phát triển nhanh hơn.
Nhật Bản luôn sát cánh cùng Việt Nam!
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo ông, hiện quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản đang có những cơ hội gì và đạt được bước phát triển như thế nào?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Trong quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản, theo tôi có 3 yếu tố rất quan trọng. Thứ nhất là ODA; thứ hai là đầu tư trực tiếp (FDI); thứ ba là thương mại.
Về viện trợ ODA của Nhật cho Việt Nam, như các bạn đã biết, Nhật luôn đứng đầu trong số các nhà tài trợ ODA cho Việt Nam. Hiện, vốn ODA của Chính phủ Nhật cho Việt Nam chiếm 30% tổng ODA của nước ngoài cho Việt Nam.
Trong lĩnh vực đầu tư, tôi cho rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một yếu tố hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế của mỗi nước. Cho tới nay, tổng số FDI của Nhật cho Việt Nam (tính theo tổng số dự án đã được thực hiện) chiếm vị trí số 1.
Trong vài năm qua, môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện rất đáng kể nên tôi hy vọng trong thời gian tới, đặc biệt trong 1-2 năm tới, đầu tư của Nhật vào Việt nam sẽ được tăng nhiều. Hiện tại, trong số các nước mà Nhật đầu tư, Trung Quốc là nước đứng thứ 1. Nhưng các nhà đầu tư cũng hiểu rằng ở Trung Quốc có nhiều rủi ro về nhiều mặt, nên thời gian gần đây, các nhà đầu tư Nhật Bản đã bắt đầu hướng nhiều hơn sang Việt Nam.
Về thương mại, hiện Nhật là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Tôi được biết trong năm nay, Việt Nam có thể gia nhập WTO. Gần đây, Nhật Bản và Việt Nam mới bắt đầu nghiên cứu khả năng ký kết Hiệp định Thương mại song phương. Do vậy tôi cho rằng trong thời gian tới tổng kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ tăng.
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để cải thiện môi trường đầu tư, sao cho hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Để nền kinh tế Việt Nam phát triển vững mạnh, việc cải thiện môi trường đầu tư Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng. Cách đây 3 năm, chính phủ Nhật và chính phủ Việt Nam đã bắt đầu triển khai Sáng kiến chung Việt - Nhật về cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam. Cuối năm ngoái, giai đoạn 1 của Sáng kiến chung đã kết thúc.
Thông qua sáng kiến đó, môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện rất đáng kể. Nhưng hàng ngày vẫn nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế xảy ra, do đó tôi cho rằng điều quan trọng là chính phủ Việt Nam cần lắng nghe các ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài và nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam.
Việt Nam sẽ vượt Thái Lan
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ông có tin rằng môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ ngày càng tốt và Việt Nam có thực sự hấp dẫn, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực như Malaysia hay Thái Lan không?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Tôi tin tưởng rằng môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư. Tôi tin rằng sau 10 năm nữa, Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan về kinh tế.
Như các bạn biết, dân số của Malaysia chỉ bằng 1/4 dân số Việt Nam nên quy mô kinh tế của họ không thể so sánh với quy mô kinh tế Việt Nam. Do vậy, tôi nghĩ rằng nước duy nhất có thể cạnh tranh với Việt Nam là Thái Lan.
Để cạnh tranh với Thái Lan, theo tôi, Chính phủ Việt Nam cần cố gắng hơn nữa và về phía Nhật Bản, sẽ ủng hộ, hợp tác với Việt Nam. Sau khi nghiên cứu và so sánh giữa nền kinh tế Việt Nam và Thái Lan, tôi thấy rằng sự khác biệt là ở Việt Nam chưa có ngành công nghiệp phụ trợ để cạnh tranh, đuổi kịp với Thái Lan.
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vì Việt Nam hiện đang đi sau Thái Lan, theo ông, Việt Nam cần có chiến lược gì, giải pháp gì để nhanh chóng bật lên được, có thể đuổi kịp và vượt Thái Lan cũng như các nước trong khu vực?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Cho đến nay Chính phủ Nhật đã trao đổi với Việt Nam về chiến lược phát triển của các bạn trong thời gian tới. Tôi nghĩ rằng chính sách lựa chọn ngành trọng điểm và tập trung sức mình vào ngành đó là quan trọng.
Sở dĩ tôi nói các bạn cần lựa chọn và tập trung vào một số ngành công nghiệp trọng điểm vì hiện Việt Nam đang có hạn chế về nguồn vốn và nhân lực. Nếu sử dụng cả hai trên nhiều ngành khác nhau, thì sẽ tạo ra những kết quả khác nhau. Nhưng nếu kết hợp hai yếu tố này vào một số ngành trọng điểm thì sẽ có hiệu quả.
Riêng Nhật Bản, sau Thế chiến II chúng tôi đã thực hiện chính sách này. Như tôi đã đề cập ở trên, hiện tại, ở Việt Nam chưa có ngành công nghiệp phụ trợ. Để phát triển ngành này, tôi cho rằng chính phủ Việt Nam nên thu hút các nhà đầu tư vừa và nhỏ nước ngoài.
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Xin trở lại vấn đề ODA, thời gian vừa qua, Nhật Bản là một quốc gia viện trợ rất nhiều ODA cho Việt Nam. Gần đây một trong những công ty, tổ chức của nhà nước sử dụng nguồn vốn ODA là PMU 18 đã có một số tiêu cực trong cá độ bóng đá. Theo ông, điều này có ảnh hưởng đến việc viện trợ ODA của Nhật cho Việt Nam trong tương lai không?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Thời gian qua, Chính phủ Nhật Bản cũng quan tâm tới vụ sai phạm của PMU 18 về cá độ bóng đá. Nhưng cuối cùng, chúng tôi kết luận rằng vụ cá độ của PMU 18 và viện trợ ODA của Nhật cho Việt Nam không có gì liên quan. Việt Nam đang sử dụng rất hiệu quả nguồn vốn ODA của chính phủ Nhật giành cho Việt Nam.
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Rất cảm ơn ông vì lời nhận xét đó. Tôi được biết ông là người có tình cảm nhiều với Việt Nam và nhiều người dân Việt Nam có lẽ cũng quý mến ông, coi ông là vị sứ giả thân thiết từ xứ sở hoa anh đào. Tuy nhiên, trong cuộc sống, ta không thể tránh khỏi có những lúc buồn phiền. Vậy trong quá trình công tác tại Việt Nam, có lúc nào ông buồn phiền hay có gì chưa hài lòng không?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Thành thực mà nói, trong nhiệm kỳ của tôi tại Việt Nam, tôi chưa bao giờ gặp phải sự kiện nào không vui. Tôi đã làm nhà ngoại giao suốt 38 năm, và trong thời gian đó tôi đã công tác ở nhiều nước trên thế giới. Tại mỗi nước, tôi cũng gặp nhiều chuyện phiền, không vui. Nhưng ở Việt Nam thì không. Chưa bao giờ tôi thấy buồn phiền ở đất nước của các bạn.
Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Nhật
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ơn ông, chúng tôi rất vui khi nghe một vị sứ giả của một đất nước lớn, thân thiết với Việt Nam nhận xét như vậy. Tôi muốn hỏi, vậy theo ông, Việt Nam đứng ở vị trí nào trong bàn cờ chiến lược khu vực và quốc tế của Nhật Bản?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Trước hết, phải nói rằng Việt Nam là một nước hết sức quan trọng trong chiến lược quốc tế của Nhật Bản. Vai trò của Việt Nam trong chiến lược ấy đang ngày càng tăng.
Nhật Bản và Việt Nam đều nằm ở khu vực Đông Á. Hiện, tình hình Đông Á đang diễn biến, thay dổi nhanh chóng từng ngày; đặc biệt, tình hình chính trị, an ninh trong khu vực đang có nhiều vấn đề. Trong bối cảnh đó, việc Nhật Bản và Việt Nam có sự tin cậy lẫn nhau là một điều rất quan trọng.
Hiện tại, chính phủ, các nhà đầu tư cũng như người dân Nhật Bản đều coi Việt Nam là đối tác quan trọng và tin cậy của Nhật. Vì vậy, tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, Nhật Bản và Việt Nam cần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa hai nước, góp phần vào sự ổn định trong khu vực.
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Với con mắt của ông, vị thế của Việt Nam trên bản đồ chính trị thế giới hiện nay như thế nào?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Hiện tại, vị trí và vai trò của Việt Nam trên thế giới chưa lớn. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam cần có vị trí, vai trò quan trọng hơn. Nhưng vì nhiều lý do, tôi xin mạnh dạn nói rằng Việt Nam chưa có vị trí đó.
Về mặt kinh tế, Việt Nam vẫn chưa gia nhập WTO trong khi việc tham gia vào tổ chức thương mại thế giới là điều quan trọng. Thứ hai, Việt Nam cần phải tuyên truyền văn hoá, truyền thống cũng như hình ảnh của mình nhiều hơn nữa trên thế giới.
Tôi nghĩ rằng, người Việt Nam rất khiêm tốn; các bạn không nói rõ ý kiến của mình. Người Nhật chúng tôi, cũng giống người Việt Nam, rất khiêm tốn. Nhưng chúng ta phải thấy rằng trên trường quốc tế, khiêm tốn không được đánh giá cao. Vì thế theo tôi, Việt Nam cần nói rõ hơn về quan điểm của mình trên trường thế giới.
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo ông,Việt Nam cần làm gì để tăng cường hơn nữa vị thế của mình?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Chiến lược ngoại giao của Việt Nam do Chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết định nên một người ngoài như tôi không dám nói nhiều. Nhưng tôi cũng xin nói một câu: để nâng cao vị trí trên trường quốc tế, Việt Nam cần phải bảo vệ lợi ích của mình. Hiện nay, chính sách ngoại giao của Việt Nam là ngoại giao đa phương, tức là Việt Nam muốn quan hệ với tất cả các nước trên thế giới. Nhưng để bảo vệ lợi ích của mình, có một số nước bạn có thể hợp tác được, và cũng có thể không hợp tác được để bảo vệ lợi ích của mình.
Do đó chính phủ Việt Nam cần nghiên cứu kỹ hơn các đối tác của mình, để bảo vệ lợi ích củaViệt Nam trên trường quốc tế.
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo ông,Việt Nam đang có thuận lợi gì trên trường Quốc tế?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Về lợi thế củaViệt Nam trên thế giới, đó chính là nguồn nhân lực. Nhật Bản và Việt Nam đều không có nhiều nhân lực. Trên thế giới, có nhiều vấn đề như giá xăng dầu, năng lượng rất được quan tâm. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, lợi thế nguồn nhân lực củaViệt Nam vẫn rất quan trọng.
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo ông, những thách thức, khó khăn của Việt Nam trên trường quốc tế hiện nay là gì?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Về thách thức của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, một thách thức lớn là cơ cấu xã hội của Việt Nam. Ví dụ, hệ thống luật pháp của Việt Nam hiện nay chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế. Và trong thời gian tới,Việt Nam cần phải nghiên cứu kỹ, sửa đổi theo tiêu chuẩn quốc tế.
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo quan điểm của ông, những nước nào có thể là bạn tốt, và đối tác tin cậy của Việt Nam?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Đối tác mà Việt Nam có thể tin cậy được là Mỹ. Chắc tôi không cần nói nhiều về Mỹ, hiện Nhật và Mỹ là đồng minh của nhau. Hiện Mỹ là nước đang đóng vai trò rất quan trọng vì sự ổn định, phồn vinh trên thế giới. Trong lịch sử, Nhật Bản và Việt Nam đã có 1 thời điểm chiến tranh với Mỹ, nhưng hai nước đều khép lại quá khứ và hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Mỹ là một đối tác tin cậy của Việt Nam.
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ngược lại, có những nước nào chưa phải là bạn tốt củaViệt Nam và Việt Nam cần phải cải thiện quan hệ?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Theo tôi hiểu, hiện tại Việt Nam có quan hệ tốt đẹp với các nước trên thế giới, và không có nước nào không phải là bạn của Việt Nam. Tôi thấy rằng việc thành lập mối quan hệ tin cậy lẫn nhau thật sự là cần thiết, tin cậy một chiều chưa đủ, mà phải tin cậy hai chiều.
Hiện, trên thế giới Nhật Bản chưa có nhiều nước thật sự tin cậy trên thế giới và Việt Nam cũng vậy. Chắc ông cũng thấy rằng, hiện nay có một số nước có quan hệ chưa tốt lắm với Việt Nam, nhưng tôi không nói ra ở đây. Trong thời gian tới, Việt Nam cần phải thiết lập mối quan hệ tốt đẹp hơn nữa với các nước đó. Như vậy, Việt Nam cần phải nghiên cứu tiềm năng, cũng như tương lai của các nước đó.
Một điều tôi muốn nói thêm, một điều mang ý nghĩa rất quan trọng trong mối quan hệ giữa các nước đó là sự bình đẳng. Trên thế giới, có nhiều nước có quy mô kinh tế, chính trị khác nhau, nhưng các nước phải tôn trọng lẫn nhau và các mối quan cần phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng.
''Đại Hội Đảng X sẽ thành công tốt đẹp''
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Chắc ông cũng quan tâm tới sự kiện ĐH Đảng X củaViệt Nam, đây là một sự kiện vô cùng quan trọng và ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam ngày hôm nay. Ông đánh giá thế nào về Đại hội đảng X?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Về mặt kinh tế, tôi cho rằng tại ĐH Đảng X sắp tới, Đảng Cộng sảnViệt Nam sẽ quyết định duy trì đường lối "Đổi mới" trong thời gian tới. Tôi thấy rằng, đường lối Đổi mới này đã mang lại nhiều thành tựu rất tốt đẹp. Như vậy, thông qua đường lối này, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Vừa rồi, tôi có đề cập tới sự khiêm tốn của người dânViệt Nam, tôi cho rằng tại ĐH Đảng lần thứ 10 sắp tối, Chính Phủ cần đưa ra những chính sách tích cực hơn nữa. Ví dụ về tỉ lệ tăng trưởng, các bạn đặt ra mục tiêu cao. Nhưng theo tôi, mục tiêu đó vẫn khiêm tốn và nó cần phải cao hơn nữa.
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Tức là tiềm nămg củaViệt Nam còn có thể đạt cao hơn nữa?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Tôi nghĩ, chắc chắn các bạn có thể đạt tỉ lệ tăng trưởng cao hơn nữa. Tôi không phải là chuyên gia kinh tế, nhưng theo tôi biết là để đạt mục tiêu trong 5 năm tới, Chính Phủ Việt Nam có đặt ra mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài 130 tỉ USD. Nhưng tôi cho rằng, trên cơ sở tiềm năng to lớn của mình, Việt Nam có thể thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài nhiều hơn thế.
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo ông, ĐH Đảng X lần này cần có quyết sách gì để Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Tôi hiểu rằng, ĐH Đảng quyết định chính sách đồng bộ trong 5 năm tới. Sau đại hội Đảng, trung ương và các địa phương sẽ tiến hành các chính sách đó. Nếu nói về chi tiết, có nhiều vấn đề, ví dụ như tham nhũng, thủ tục hành chính địa phương. Về đầu tư, Việt Nam cần đơn giản hoá hơn nữa thủ tục. Tôi biết rằng, người Việt Nam rất rõ điều gì cần giải quyết đểViệt Nam có thể phát triển hơn nữa. Và tôi cho rằng người Việt Nam rất thông minh và biết cách giải quyết các vấn đề đó.
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Với quan sát của một chính khách ngoại giao ở Việt Nam và hiểu Việt Nam, ông có tin rằng, ĐH Đảng X sẽ có những kết quả tốt đẹp cho Việt Nam trong tương?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Tôi tin rằng, ĐH Đảng X sắp tới sẽ thành công tốt đẹp. Tôi cho rằng, chế độ kinh tế, chính trị của Nhật Bản hoặc Việt Nam có tốt hay không thì hiện chưa thể nói được. Tôi nghĩ rằng, Nhật Bản và Việt Nam cũng phải tiếp thu những cái tốt hơn, không nên sợ thay đổi chế độ kinh tế hiện tại. Nếu thay đổi, thì Việt Nam cần nghiên cứu trường hợp của mình. Và nếu thay đổi nhanh chóng cùng một lúc, thì có thể tạo ra bất ổn trong tình hình kinh tế, xã hội. Như vậy, cần phải thay đổi từng bức.
Tôi nghĩ rằng, hiện nay Việt Nam đang trong quá trình vươn lên. Do đó, tôi có quan điểm rất lạc quan về ĐH Đảng sắp tới.
Việt Nam và Nhật Bản - hai dân tộc gần gũi nhất thế giới
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Cảm ơn ông. Tôi muốn hỏi một chút về cuộc sống riêng của ông, về gia đình, vợ con ông?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Vợ tôi hiện ở đây, nhưng con tôi thì ở Nhật.
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Tại Hà Nội, ông thích đến quan ăn Nhật nào nhất?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Món ăn Nhật được chuẩn bị tại nhà riêng của tôi thì ngon nhất. Nhưng trong thời gian gần đây, tôi biết rằng tại Hà Nội có nhiều nhà hàng Nhật Bản, nhưng tôi chưa có cơ hội dược tới đó để thưởng thức.
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: ông hay ăn món ăn Việt Nam không?
-Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Tôi thích đồ ăn Việt Nam và nếu tôi ra ngoài ăn cơm thì thường đi nhà hàngViệt Nam. Người Nhật rất thích món ăn Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, món ănViệt Nam sử dụng ít dầu và nhiều loại rau, rất tốt cho sức khoẻ, giống món ăn Nhật.
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ngược lại, người Việt Nam rất thích món ăn Nhật Bản.
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Cách đây 2 năm, Thủ tướng Nhật Koizumi sang thăm Việt Nam. Lúc đó, ông đã tới nhiều nhà hàng Việt Nam và rất thích món ănViệt Nam.
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Tôi có một câu hỏi riêng. Tôi có những người bạn học người Nhật - họ là những lãnh đạo doanh nghiệp. Tất cả đều nói họ có cảm tình với người Việt Nam. Giữa người Nhật và người Việt Nam dường như có mối cảm tình gì đó với nhau. Ông có bình luận gì về chuyện này?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Người Nhật có tình cảm đặc biệt với người Việt Nam. Cách đây khoảng 30 năm, một nhà văn nổi tiếng của Nhật dã viết một cuốn sách về Việt Nam trong đó nói người Nhật và ngườiViệt Nam là hai dân tộc gần gũi nhất trên thế giới.
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Cảm ơn ông. Người Việt Nam cũng có tình cảm đặc biệt với người Nhật Bản. Vậy theo ông, có cách gì để hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản ngày càng gắn bó với nhau hơn nữa?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Để tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam trong tương lai, theo tôi có hai điều quan trọng; Tăng cường giao lưu văn hoá giữa thanh niên hai nước. Điều nay mang lại nhiều lợi ích cho quan hệ song phương. Thứ hai là tôi hy vọng tiếng Nhật sẽ được dạy nhiều hơn nữa tạiViệt Nam.
Và cuối cùng, tôi muốn nói thêm, tại Đại sứ quán Nhật ở Hà Nội có một trung tâm thông tin văn hoá Nhật. Tại đó, có nhiều đĩa CD âm nhạc và DVD phim, ảnh của Nhật Bản và tôi hy vọng sẽ có nhiều thanh niên và người Việt Nam tới đó để xem, nghe, hiểu hơn về văn hoá, con người Nhật.
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Một bạn đọc của VietNamNet muốn hỏi rằng, bạn ấy muốn biết thông tin về văn hoá, kinh tế của Nhật Bản qua VietNamNet. Vậy theo ông, Đại sứ quán Nhật Bản cần cộng tác thế nào với VietNamNet để đưa thông tin về Nhật Bản tới người Việt Nam qua báo VietNamNet?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Phía Nhật Bản chúng tôi sẵn sàng hợp tác với VietNamNet để qua đó giới thiệu văn hoá của Nhật Bản. Tôi rất cảm ơn VietNamNet đã tạo điều kiện cho tôi được nói chuyện với độc giả của báo.
Khi nào Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn mời tôi tới đây để giao lưu, trả lời câu hỏi của độc giả Việt Nam, tôi cũng rất sẵn sàng. Thông qua buổi nói chuyện hôm nay, tôi hiểu được sự quan tâm rất lớn của người Việt Nam đối với Nhật Bản. Tôi mong trong thời gian tới, tôi sẽ có cơ hội quý báu như ngày hôm nay.
Cuối cùng, một lần nữa tôi xin cảm ơn VietNamNet đã mời tôi tới đây để nói lên ý kiến của mình với các độc giả. Hiện có nhiều học sinh, sinh viênViệt Nam du học sang Nhật Bản, tôi cũng muốn có cơ hội như hôm nay, để giới thiệu về chế độ du học tại Nhật.
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi hy vọng sẽ có một buổi riêng để ông trao đổi với độc giả VietNamNet về vấn đề du học ở Nhật.
Việt Nam cần quảng bá hình ảnh hơn nữa ra thế giới
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo ông,Việt Nam nên làm thế nào để nâng cao vị thế của mình trên bản đồ chính trị thế giới trong sự kiện APEC năm nay?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Trước hết tôi nghĩ rằng, hội nghị APEC là một dịp quan trọng, một cơ hội quý báu đối với Việt Nam. Trong buổi phỏng vấn hôm nay, tôi có nói người Việt Nam rất khiêm tốn, theo tôi hình ảnh thật sự của đất nước Việt Nam chưa được phổ biến nhiều trên thế giới. Cho nên, hội nghị APEC là cơ hội quan trọng đối với Việt Nam để các nhà lãnh đạo, các nguyên thủ, và người dân thế giới biết hiểu biết thêm về Việt Nam. Do đó, trong quá trình chuẩn bị, Việt Nam cần tích cực giới thiệu thêm thông tin, hình ảnh về đất nước mình.
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Câu hỏi cuối cùng của riêng tôi, giả sử là Thủ tướng Việt Nam, ông sẽ tổ chức sự kiện gì lớn để thu hút sự chú ý của quốc tế đối vớiViệt Nam nhân sự kiện Hội nghị APEC diễn ra tại Việt Nam?
- Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori: Nếu tôi là Thủ tướng Việt Nam, khi tổ chức Hội nghị APEC tôi sẽ nhấn mạnh rằng người Việt Nam và Chính Phủ Việt Nam rất coi trọng hoà bình và có tiềm năng phát triển rất lớn. Hiện trên thế giới, có nhiều người khi nghe đến tên Việt Nam, họ nhớ lại thời gian chiến tranh lâu dài tại đây. Như vậy trước hết, tôi sẽ cố gắng để người dân thế giới thay đổi quan điểm đó về Việt Nam, tôi sẽ cố gắng giới thiệu về hình ảnh một Việt Nam hoà bình và ổn định.
- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ơn ông đã tham gia bàn tròn trực tuyến ngày hôm nay. Chúc cho quan hệ Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển tốt đẹp. Chúc đất nước và nhân dân Nhật Bản phát triển mạnh hơn nữa. Chúc ông thành công hơn nữa trên cương vị công tác của mình tại Việt Nam.
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top